Không có gì sinh ra từ trống rỗng


Không có gì sinh ra từ trống rỗng

cCbRPNr

des: Điệp Tử

Có lẽ tôi khóc vì tôi đã mở cánh cửa đó ra; và giờ tôi phải tiếp tục sống.

Warning: Implied sexual abuse, suicidal thoughts

.

 

1

_____

 

Có một lần, vào khoảng năm 2007 – cũng có thể là 2008, tôi không nhớ chính xác nữa, chỉ có thể áng chừng đó là khoảng thời gian trước khi tôi chuyển đến Thị Trấn – tôi cũng từng bị ốm nặng như thế này. Một buổi sáng thức dậy, đầu óc tôi quay cuồng, người nôn nao, mí mắt nóng đến độ mỗi lần chớp mắt tôi đều cảm nhận được, mà hễ nhắm lại hay mở mắt quá lâu thì nước mắt đều sẽ chảy ra, thế là tôi cứ để nó chảy xuống. Cả người tôi trĩu nặng, chân tay như không thuộc về mình.

Đó là lần đầu tiên tôi nhận thức được sức nặng của chính bản thân; nhưng lại chẳng phải lần đầu tôi mất quyền kiểm soát với cơ thể mình.

Có lẽ do chuyến đi, lúc đó tôi đã nghĩ như vậy. Tôi được gửi về trước từ chuyến trăng mật của mẹ, còn mẹ vẫn tiếp tục đi thêm hai tuần nữa, tôi phải về đi học. Về đến nhà là tôi đã rất mệt rồi, bỏ vali xuống trước cửa tôi chỉ muốn gục xuống ngay, nhưng rồi tôi vẫn nhớ khóa cửa lại, bước mười hai bước chân vào đến phòng ngủ (phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp rồi đến nhà tắm), tôi đổ mình xuống giường và có cảm giác mình đã ngất luôn chứ không chỉ là chìm vào giấc ngủ. Tôi ngủ không mộng mị.

Sớm mai tỉnh giấc, tôi không ngồi dậy được nữa, nằm trong đống chăn lộn xộn, trên người vẫn là bộ đồ đi đường ngày hôm qua nhưng không đủ sức cởi nó ra. Cơn buồn nôn ập đến, tôi chỉ kịp nghiêng đầu nôn ngay xuống chân giường; sau khi nôn xong tôi thấy dễ chịu hơn chừng vài phút, đủ thời gian để bỏ hàng khuy áo.

Rồi, nằm ngửa trên chiếc giường 1,5 mét, trong căn hộ nhỏ bốc mùi chua của bãi nôn kia cùng bầu không khí tù túng, tôi đếm thời gian chạy trên chiếc đồng hồ – tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích tích – dường như đó là âm thanh duy nhất mà tai tôi chịu tiếp nhận, những tiếng tích tích kẹt trong đầu tôi, không cách nào móc ra được. Tôi đếm, nhưng rồi lại quên là mình đã đếm được đến đâu.

Đếm lại từ đầu.

Lại quên.

Đếm lại.

Quên.

Tích tích tích tích…

Nó còn trong đầu tôi đến bây giờ.

Năm đó tôi mười một tuổi. Tôi đang học lớp năm nhưng đã mười một tuổi, vì tôi phải bỏ một năm học, chúng tôi đã phải di chuyển khá nhiều trước khi mẹ có được căn hộ này. Nó nhỏ lắm. Nhỏ đến nỗi tôi và mẹ không có không gian riêng và thật ra chúng tôi cũng không cần điều đó làm gì: chúng tôi vốn luôn thoải mái với nhau – mẹ và tôi – hồi còn nhỏ nữa thì chúng tôi ngủ chung với bà ngoại, bà mất rồi vẫn không có gì thay đổi; mẹ luôn tự nhiên lột đồ ngay trước mặt tôi rồi mới mở tủ tìm quần áo, mẹ đi đi lại lại, hỏi tôi bộ này bộ kia có đẹp không, nên phối thế nào, Con xem có phải mẹ đã lên cân không? Thỉnh thoảng mẹ sẽ hỏi như thế, hoặc mẹ sẽ nhờ tôi kéo khóa sau lưng giúp mẹ… Mãi sau này tôi mới biết người ta thấy việc đó dị, nhưng biết rồi tôi lại thấy chính thái độ đó của họ là bất thường; mẹ bảo chỉ có những người có suy nghĩ tăm tối mới có thể tưởng tượng ra cái gì mờ ám ở đây, “Mẹ là mẹ con cơ mà. Nghĩ linh tinh!” Đúng là nghĩ linh tinh thật.

Tôi đoán việc gì xảy ra quá thường xuyên, người ta đều sẽ thấy bình thường cả.

2

_____

Anh nói với tôi, Chắc em phải nhập viện rồi. Tôi bảo tôi không muốn. Anh đi đi lại lại trong phòng, làm đầu óc tôi quay cuồng, anh nói chuyện điện thoại với ai đó, rồi lại ngồi bên giường nói chuyện với tôi. Anh đã nói gì nhỉ? Cái gì đó về mẹ tôi.

Anh lau người, thay đồ, thay đá chườm cho tôi. Đến muốn đi vệ sinh cũng cần người giúp – lúc chưa bị ốm, người ta không thể tưởng tượng ra nổi tình cảnh thảm hại này.

Tôi sắp ngủ say thì anh hỏi, Em có muốn đi gặp dì không?

Tôi có muốn gặp mẹ không? Tôi thầm lặp lại trong đầu. Anh vẫn nghĩ đó là điều tôi muốn.

Tôi thích nghe giọng anh. Chẳng hiểu sao từ lần đầu nghe tôi đã thích rồi.

Tôi thích mọi điều về anh.

3

_____

Tôi đã nghĩ, có lẽ mình sẽ cứ thế này mà chết, bốc mùi lên cùng cái bãi nôn kia. Mẹ sẽ về nhà, khóc một chút, (có lẽ hai chút, thôi thì ba chút đi), nhưng sau đó mẹ sẽ cảm thấy nhẹ nợ. Bởi vì mẹ là như vậy; mẹ không thích bị coi người xấu nên không làm việc xấu, nhưng mẹ cũng không muốn mất công làm điều nên làm. Nếu mẹ mua một gói tăm của người lang thang, không phải vì mẹ muốn giúp họ, mà chỉ vì mẹ muốn cảm thấy mình là người tốt.

Tôi nghĩ mình sẽ chết. Suy nghĩ đó xuất hiện đột ngột, như mưa bóng mây, chẳng có báo trước gì cả, và cũng nhẹ nhàng như thế; tôi thấy bình thản. Tôi thấy… chẳng cảm thấy gì.

Tôi chợt nhớ ra một thông tin: một podcast tôi nghe có nhắc qua rằng, thống kê một năm có khoảng 36,000 người Mỹ chết vì bệnh cúm, tôi không biết ở Việt Nam thì con số ấy là bao nhiêu.

Trong đầu tôi lúc đó chỉ toàn những suy nghĩ như vậy, thông tin và những ký ức. Tôi nhớ về những đêm tôi ngồi một mình trong căn phòng nhỏ đó, hình như đêm nào cũng giống nhau. Tắm, ăn, bỏ quần áo vào giỏ, làm bài tập về nhà, nghe tiếng anh, đọc sách, ngủ. Tắm, ăn, bỏ quần áo vào máy giặt, làm bài tập về nhà, nghe tiếng anh, đọc sách, ngủ. Không tắm nữa, ăn, bài tập sáng mai chép cũng kịp vậy, nghe tiếng anh, đọc sách, ngủ. Đọc. Đọc. Đọc. Ngủ. Ngủ. Ngủ.

Hồi đó tôi đọc những gì nhỉ? Hình như cái gì tôi cũng đọc, từ truyện tranh đến tiểu thuyết, sách song ngữ mẹ mua cho tôi. Tôi vừa ăn vừa đọc. Đợi mẹ về. Có một thời gian tôi cứ đọc đi đọc lại Ruồi Trâu. Tôi bị cái tật ấy, thích cuốn nào thì cứ đọc đi đọc lại; thành ra số sách tôi đọc được cũng chẳng nhiều lắm.

Đôi khi tôi ngẩng đầu lên, căn hộ của chúng tôi đã thành bãi rác. Lần nào mẹ cũng cáu trước cảnh này; thật ra lần nào mẹ cũng có lý do để cáu. Hai mẹ con vài ngày mới gặp, lại gây nhau. Tôi không muốn cãi nhau với mẹ. Tôi chỉ muốn ở bên mẹ. Tôi chỉ muốn được mẹ ôm.

Tôi ngủ rất nhiều, ngủ quên cả đi học; nhưng lại thức quá khuya. Hồi đầu mẹ mới đi làm, tôi sẽ ngủ trước mười hai giờ dù luôn uống trà, hồi đó tôi còn chưa bị mất ngủ. Sau đó tôi tìm được cách để thức khuya hơn. Mẹ để thuốc lá trong hộc tủ, mẹ lúc nào cũng bất cẩn như vậy, lần đầu hút tôi chẳng thấy thú vị gì, rất khô họng – như bây giờ vậy – nhưng không đắng. Tôi không cảm thấy tỉnh táo hơn. Rồi tôi bắt đầu uống thêm cà phê hòa tan, mấy lần đầu uống căng thẳng cực, chỉ nằm nghe mạch trên thái dương đập, mắt mở trừng trừng; sau thì mất dần tác dụng. Đôi khi tôi ăn trộm, (không phải vì thiếu tiền, chỉ là tôi thích thế thôi). Tất nhiên những điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường của tôi. Mẹ tôi bận lắm, ít khi có thời gian đi họp phụ huynh nên thực ra mẹ cũng chẳng nắm được tình hình gì lắm để mà trách mắng tôi. Tôi cứ nhớ mãi về những đêm ấy, một mình. Còn chả có tivi nữa.

Tôi mười một tuổi, sống trong thế giới của riêng tôi.

Một năm có khoảng 36,000 người Mỹ chết vì bệnh cúm, con số ở Việt Nam thì không rõ, nhưng trong số đó cuối cùng lại không có tôi. Người cứu tôi sống ở đối diện. Là sinh viên. Quê ở Thái Bình. Tên là Thư. Họ gì nhỉ?

Thư.

Chị Thư.

Đúng rồi, là chị Thư.

Tôi không nhớ mặt chị ấy nữa.

Chị gọi cửa vào buổi trưa, gọi tên tôi vài lần, hỏi tôi, “Em về rồi à?” Giọng chị rất dịu dàng, dễ nghe, luôn mang một vẻ dung túng và chiều chuộng khi nói chuyện với tôi. Tôi chỉ cần tỏ ra đáng yêu không hiểu chuyện, chị sẽ bỏ qua cho tôi mọi lỗi lầm, chỉ cần có thể chị sẽ cho tôi mọi thứ tôi vòi vĩnh. Đôi khi tôi nghĩ, chị còn quan tâm đến ý muốn của tôi hơn mẹ tôi.

“Chị Thanh ơi!” Chị gọi mẹ.

Tích! Tích! Tích! Tích!

Đồng hồ vẫn gõ nhịp trên tường.

Hình như tôi đã lết ra mở cửa. Vì không hiểu sao, tôi thật sự không muốn chết. Nhìn thấy chị là tôi òa khóc. Vì cả ngàn lý do không liên quan nhiều đến chuyện tôi bị ốm. Chị ôm tôi, cũng nước mắt rưng rưng. Chị dễ khóc lắm, dễ mủi lòng vì mọi thứ.

Chị khóc vì thương tôi.

Nhưng tại sao tôi khóc?

Có lẽ tôi khóc vì tôi đã mở cánh cửa đó ra; và giờ tôi phải tiếp tục sống.

Bản năng sống của con người là một điều đáng ngạc nhiên: ngay cả trong lúc không còn muốn sống nữa, người ta vẫn không thực sự muốn chết.

4

_____

 

Tôi đoán vì mình là một đứa thanh niên hai mươi tuổi, nên sức khỏe của tôi tốt hơn hồi mười một tuổi kia, lại được truyền nước, thuốc thang tận nhà nữa. Tôi hồi phục nhanh, chỉ nằm trên giường có ba ngày. Ba ngày dài như ba năm. Sáng tỉnh dậy, người nhẹ hẫng. Tôi đói đến bủn rủn tay chân, đói đến nỗi muốn ăn cả cái tủ lạnh.

Anh đã nấu canh gà: thịt gà, gừng. Ngồi đợi anh hâm lại mà tôi phải gục xuống bàn, cả người bải hoải, tôi muốn gặm luôn cả mì tôm sống hay gì cũng được, nhưng anh không cho. “Một chút nữa thôi, năm phút thôi,” anh nói. Anh vuốt tóc ra sau tai tôi, những ngón tay anh lành lạnh. “Tóc em dài rồi đấy,” anh bảo. “Em muốn cắt tóc không?”

“Em muốn ăn.”

Anh bật cười.

Tôi bắt đầu ngửi thấy mùi vị quen thuộc đó.

Gà và gừng, thiếu đi một thì sẽ không còn là canh gà nữa, – chị Thư nói như vậy với tôi, chị cười nói liên tục, Lần nào chị bị ốm mẹ cũng nấu canh gà bắt chị ăn, mũi điếc, lưỡi cũng không cảm nhận được vị gì; chỉ riêng món này của mẹ là chị nuốt được thôi. Ăn xong một bát canh, cảm giác người khỏe hẳn. Mẹ chị bảo gừng là thuốc đấy. Em ngửi thấy mùi chưa? Đó!

Mẹ chị nói hệt như bà tôi. Mấy truyền thuyết kiểu đó lưu truyền như thật vậy, người ta cứ thế tin lung tung cả lên. Bà tôi tin canh gà với gừng chữa người ta khỏi ốm, cũng như ăn móng giò cho người mới sinh có sữa, canh cúc tần chữa ho (hễ tôi ho là bà hái một nắm cúc tần nấu cùng tim cật gà, bắt tôi uống, đắng đến nỗi đứa bé chưa đầy mười tuổi là tôi cứ vừa nốc xuống vừa khóc, tôi đã từng tưởng đó là cơn ác mộng kinh khủng nhất trong thời thơ ấu của mình), bà cũng tin người ốm thì không được chạm vào nước, phải xức thật nhiều dầu gió, dầu gió là thuốc thần, phải nằm yên trong phòng kín vân vân mây mây…

Có thể những điều đó là sự thật, cũng có thể chỉ là niềm tin vô căn cứ; có thể chị cũng tin, hoặc có thể chị chỉ nói vậy để tôi chịu ăn. Dù sao tôi cũng chẳng quan tâm nhiều đến sự thật nào ngoài sự thật là món canh đó ngon thật, đó đúng là món ăn duy nhất có vị với tôi vào lúc ấy. Sau đó tôi cứ nhớ mãi. Có lẽ nó đã biến thành một nỗi ám ảnh.

Khi tôi kể với anh về món này, anh khá ngạc nhiên. Anh hỏi, Em đang nói món gà kho gừng sả à? Tôi đáp, Không, là canh gà nấu gừng. Anh có vẻ không tưởng tượng ra được. Anh chưa từng bao giờ thấy canh gà gừng. Anh phải mất kha khá thời gian mới làm được món này đúng vị, bởi vì tôi miêu tả không giỏi lắm. Anh hỏi, Chỉ gà và gừng thôi? Dạ phải, tôi đáp. Có khi nào chị Thư của em đã sáng tạo ra món này không? Tôi biết chết liền. Nhưng nó ngon mà. Anh cười, Ừ, em thấy ngon là được rồi. Hẳn là anh thấy nó tanh.

Anh khác với chị Thư, anh chỉ thích ăn những món ăn thanh đạm; nếu bị ốm, anh sẽ chỉ ăn cháo trắng (tức là gạo và nước), muối trắng cũng không được bỏ thêm. Anh đặc biệt không ưa các món ăn miền Đông Bắc (dạng như trám kho, măng ớt, thịt vịt thịt lợn quay, khâu nhục…); món Bắc nói chung anh cũng không ưa lắm, đã ở Hà Nội vài năm nhưng anh vẫn không thích ăn phở ngoài Bắc vì nước dùng không hợp, Họ cho quá nhiều bột ngọt, anh bảo thế; có thể nói khẩu vị của chúng tôi hoàn toàn khác nhau. Thế nhưng món gì anh cũng nấu được cho tôi. Việc gì anh cũng có thể làm vì tôi.

Nghĩ vậy tôi tự nhiên thấy rất hạnh phúc. Kể cũng lạ, hạnh phúc đến vậy vào lúc này.

Sau khi bụng đã đỡ cồn cào hơn, tôi ngẩng lên và nhận ra anh đang nhìn mình, anh không ăn, chỉ nhìn tôi thôi.

Tôi buột miệng bảo, “Có một lần em bị ốm như thế này.”

“Lúc nào vậy?” Anh hỏi, dù thừa biết tôi sẽ kể gì, anh vẫn sẽ làm như lần đầu nghe.

“Vẫn lần lớp năm đó thôi. Em kể rồi.”

Anh mỉm cười. “Anh muốn nghe lại.”

5

_____

Tôi đã nghĩ mẹ sẽ trở về vào ngày hôm sau. Tôi muốn gặp mẹ, tôi sẽ không giấu mẹ điều gì cũng sẽ không tranh cãi với mẹ nữa, tôi sẽ được mẹ ôm; mẹ sẽ giải quyết mọi việc cho tôi; không còn bí mật này, chúng tôi sẽ lại như ngày xưa. Tôi đã sai, tôi không nên gây sự với mẹ nhiều như vậy; tôi đâu muốn như vậy đâu, tôi chỉ muốn được ở bên mẹ. Nhưng đó chỉ là tôi tưởng tượng thế thôi. Mẹ không về. Không thể về với tôi.

Chị Thư gọi điện cho mẹ nói hết tình hình, mẹ lập tức nhờ chị chăm sóc tôi. Khi tôi đòi gặp và khóc trên điện thoại, mẹ nói tôi cư xử như trẻ con. Có phải chuyện gì to tát đâu mà con làm quá lên? Con muốn mẹ dừng kỳ trăng mật vì con bị hắt hơi mấy cái à? Con trẻ con quá rồi đấy! Con có biết thương mẹ chút nào không hả? Có lẽ mẹ quên mất tôi thực sự là trẻ con.

Tôi cảm kích chị, nhưng vì khi đó tôi quá trẻ con mà chị thì ở quá gần, tôi đã trút giận lên chị. Tôi ở trong nhà của chị Thư, chiếm luôn giường chị; trong lúc chị qua nhà tôi dọn bãi nôn cho tôi, dọn hành lý, nhà cửa cho tôi, xịt phòng để nhà tôi thơm phức không còn chút dư âm của bãi nôn kia, lại đi mua thuốc, mua gà về nấu canh cho tôi, không một câu than phiền vì cục nợ trên trời rơi xuống này – nhưng tôi vẫn vùng vằng với chị. Khi tôi giận người này, tôi sẽ chém bất cứ ai quanh mình để trút giận rồi tự thu mình vào; tôi ấm ức với mẹ, nên tôi phải quăng cục tức vào chị.

Có lẽ tính cách này của tôi chẳng liên quan gì đến chuyện tôi mới học lớp năm; mà liên quan nhiều hơn đến chuyện mẹ mặc kệ tôi mỗi khi tôi cư xử không đúng mực, mặc kệ tôi khi tôi không chào hỏi, không thưa gửi. Tôi chỉ biết thỏa mãn cảm xúc của tôi thôi. Tôi chẳng biết điều gì là đúng. Mà lúc đó cảm xúc của tôi như cái chai bị bịt kín không có chỗ thoát, đang sắp nổ tung.

Rất may là chị Thư không để bụng tôi. Trong lúc tôi nằm khóc rấm rứt trên giường và hối hận vì đã mở cửa, đang nghĩ mình nên cứ thế mà chết, chị vẫn nói chuyện liên tục với tôi. Có lẽ chị cũng không có khiếu an ủi lắm, chỉ là chị cảm thấy mình phải nói gì đó để tôi biết là chị quan tâm. Thế nên chị nói về… gà. Về cách chọn thịt gà ngon, phân biệt các loại gà này nọ. Tôi nghe lúc được lúc không. Chị đi vào bếp rồi lại đi vào phòng, trong lúc đợi canh sôi thì đến ngồi cạnh giường với tôi.

“…em ngửi thấy chưa? Ngon lắm đấy. Em uống một bát là khỏi ngay thôi, nhé? Ngoan.”

Không biết bây giờ nếu gặp lại, chị có còn nói chuyện với tôi kiểu dỗ ngọt ấy nữa không.

Nghĩ nhảm, chắc chắn là không.

Chắc chắn là không thể gặp lại.

6

_____

Anh kể lại với tôi chuyện xảy ra, anh luôn rất cẩn thận chọn từ, và luôn chăm chú nhìn tôi. Có lẽ anh sợ sẽ bỏ qua biểu hiện nào đó của tôi. Anh nói mẹ tôi có thể sẽ chịu án khá cao, vì gia đình nạn nhân có bối cảnh rất lớn.

Nạn nhân, tôi nghĩ.

“Anh không làm gì được,” anh nói.

“Anh không phải làm gì đâu,” tôi đáp. “Và em không muốn đi thăm mẹ.”

Anh im lặng nhìn tôi vài giây, tôi bình tĩnh đón nhận ánh mắt anh. Rồi anh nói: “Ừ. Ăn nữa đi.”

Bởi suy cho cùng, mẹ chẳng làm điều này cho tôi. Mẹ làm điều này cho mẹ. Tuyệt vọng của mẹ là bởi vì mẹ đã để kẻ này cướp đi của mẹ cả thanh xuân lẫn người duy nhất yêu mẹ.

Trong lòng tôi, nơi từng mang nặng tình yêu dành cho mẹ, nay chỉ còn một lỗ trống.

7

_____

Tôi kể cho chị nghe về bà tôi. Chắc vì người thân duy nhất còn lại của tôi không muốn ở bên tôi, tôi phải nói về người quan tâm yêu thương tôi cũng không còn bên cạnh nữa.

“Canh cúc tần á?” Chị rất ngạc nhiên, còn cười phá lên nữa. Chắc chị muốn làm tâm trạng tôi khá hơn một chút. “Loại cây đó ăn được à? Đắng lắm. Chỗ chị có trồng làm hàng rào đó.”

“Đắng ngắt,” tôi nói, giọng tôi vỡ lạo xạo, môi mặn chát. “Em không thích ăn.”

Nhưng tôi muốn bà tôi về nấu.

Chị vuốt ve má tôi, lau nước mắt cho tôi. “Canh này không đắng đâu, vị hơi cay cay vừa phải. Em ăn xong rồi uống thuốc là thấy đỡ ngay. Ngày mai sẽ đi học được như thường.”

Tôi thích vị cay của gừng, nhưng lười nói cho chị biết.

Chị nói mẹ chị coi canh gừng như thuốc tiên, bị ho bị ốm đều nấu cho chị ăn. “Mà chị cũng khỏi thật,” chị bảo. “Có lẽ nó là thuốc thật đó.”

Có lẽ tôi đã khỏi ốm nhờ món canh kỳ diệu kia, hay nhờ tay chị chăm sóc. Ngôi nhà của chị sạch sẽ, ngăn nắp đâu ra đó, chị biết nấu đủ các món ăn và nấu rất nhanh. Việc nấu ăn đối với chị chỉ như đi đứng hít thở; không như mẹ tôi mỗi lần quyết định vào bếp là nhà cửa loạn hết cả lên, dành cả buổi sáng không xong cuối cùng vẫn đi ăn ngoài. Mẹ thường nói con trai không cần biết nấu nướng, nhưng mẹ cũng không giải thích vì sao mẹ không biết nấu nướng.

“Nấu ăn không phải việc của đàn ông hay đàn bà,” chị nói, đột nhiên hăng hái. “Đó là việc cơ bản ai cũng cần biết, là kỹ năng chăm sóc bản thân. Đổ hết cho con gái, giả sử vợ em bị ốm thì sao? Nếu hai người cãi nhau hoặc ly thân, ly hôn, em sẽ chết đói hay sẽ ăn mì, ăn cơm bụi mỗi ngày à? Ăn uống là việc quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, nhất là cái thời này ngoài kia không có gì an toàn cả, rau phun thuốc, thịt thì tiêm bảo quản, ăn ngoài làm sao an tâm được? Đừng để ai nhồi vào đầu em cái suy nghĩ con trai thì không bếp núc.”

Tôi nói với chị mẹ tôi chẳng nấu được đếch gì. Mẹ tôi chẳng sống ra đếch gì. Chẳng biết lo cho bản thân, cho tôi. Chẳng biết gì cả.

Chị lắng nghe tôi nói một lúc lâu. Nhưng tôi cũng chỉ nói ra được những điều như vậy.

Sau khi tôi ăn xong, chị bảo tôi sang ở tạm nhà chị vài ngày, “Em ở một mình mấy tuần sao được, chị không an tâm.”

Em đã luôn một mình, tôi muốn nói như vậy, lúc nào tôi cũng một mình. Luôn là những đêm tôi một mình đọc sách, uống cà phê đợi mẹ; một mình nhìn đồng hồ đếm đến nửa đêm rồi qua nửa đêm, ngủ thiếp đi; là những đêm gần sáng mẹ đem theo ai đó về nhà, làm tình ngay trên giường bên cạnh tôi, còn tôi phải giả vờ như mình đang ngủ; là những đêm tôi tỉnh dậy cảm thấy có đôi tay xa lạ nào đó sờ soạng người mình, mẹ đang say ngủ, gối tôi ướt đẫm; những đêm tôi một mình đọc các loại báo chí khiêu dâm ai đó để lại, những tò mò được giải đáp theo cách tồi tệ nhất có thể; những đêm tôi thấy mẹ ngồi khóc, mặt bầm tím vì bị kẻ nào đó mẹ đang yêu say đắm thượng cẳng chân hạ cẳng tay, mẹ òa khóc khi được tôi ôm.

Mẹ đau đớn.

Mẹ chẳng biết phải làm gì.

Mẹ chỉ là đứa trẻ.

Tôi chỉ có một mình. Tôi đã một mình từ lâu, từ khi bà tôi mất; hay thậm chí từ khi mới sinh ra, khi người mẹ mười sáu tuổi của tôi nằm mãi trên giường và không muốn nhìn thấy tôi; khi bà phải đem cả hai chúng tôi bỏ chạy bởi có người muốn cướp tôi đi làm cháu đích tôn mẹ gì đấy; khi suốt cuộc đời bà phải nuôi cả tôi lẫn mẹ như hai chị em tị nạnh lẫn nhau và vất vả cho đến chết. Tôi chỉ có một mình.

Thế nên tôi gật đầu. Tôi cần một ai đó biết bao.

Tôi chợt nghĩ, chị nên là mẹ tôi. Suy nghĩ đó kể cũng kỳ lạ, vì chị còn quá trẻ, chỉ là sinh viên, chắc tầm hai mốt hai hai. Có lẽ ý tôi khi ấy là: mẹ không nên làm mẹ; nhưng lúc đó tôi còn chưa nhìn rõ vấn đề được như vậy.

Lúc đó tôi còn yêu mẹ quá.

8

_____

Hai tuần sau, tôi chuyển về Thị Trấn cùng với gia đình mới của mẹ; chúng tôi đi vội vã đến độ tôi còn chẳng kịp chào chị, dịp đó chị về quê thăm gia đình. Tôi đã sống ở Thị Trấn từ lớp sáu đến lớp mười hai. Tôi đã gần như quên được chị; nhưng rồi thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến chị, thỉnh thoảng tôi mơ thấy chị và món canh gà ngày ấy; đôi khi tôi mơ thấy món canh gà của chị và món canh cúc tần của bà, chẳng hiểu sao bà với chị chẳng quen biết lại ở cạnh nhau, những điều tưởng như cơn ác mộng thời thơ ấu, hóa ra lại là ký ức đẹp đẽ nhất.

Ngày hôm sau, tôi và anh quay trở lại chỗ cũ tìm chị, vì căn hộ đó nhà chị mua nên tôi nghĩ có khả năng chị còn ở đó. Tôi không biết mình sẽ nói gì với chị, chỉ là tôi bỗng dưng muốn gặp chị thôi. Nhưng xung quanh đó chẳng còn gương mặt quen thuộc nào. Căn nhà tôi ở ngày xưa giờ là một gia đình nhỏ. Chị chủ nhà đó nói với tôi chị đã bán nhà từ lâu. Có lẽ đã chuyển sang căn khác đẹp hơn.

Có lẽ chị cũng đã quên tôi rồi.

-HẾT-

Tử Dương

22/10/2017

Để lại bình luận

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.